Thoái Hoá Đốt Sống Cổ

Thoái hoá đốt sống cổ là bệnh xương khớp mãn tính, tiến triển chậm. Bệnh thường ảnh hưởng ở người trung niên, cao tuổi. Bệnh lý là hệ quả của chấn thương mạnh, tuổi tác cao, lao động nặng trong thời gian dài hoặc ảnh hưởng các bệnh xương khớp mãn tính.

Thoái hóa đốt sống cổ là gì?

Theo đặc điểm cấu trúc, cột sống cổ có 7 đốt sống và được ngăn cách nhau bởi đĩa đệm và các dây thần kinh, dây chằng đi qua. Nhiệm vụ chính của đĩa đệm là hấp thụ xung động. Từ đó giúp cổ hoạt động linh hoạt, nhịp nhàng hơn, đồng thời tránh được các chấn thương.

Thoái Hoá Đốt Sống Cổ: Nguyên Nhân, Dấu Hiệu và Cách Chữa
Thoái hoá đốt sống cổ là bệnh xương khớp mãn tính, tiến triển chậm

Tuy nhiên, theo thời gian, đĩa đệm này có xu hướng bị thoái hoá, suy giảm chức năng, bề mặt đĩa đệm xẹp dần, dây chằng trở nên xơ cứng. Đối với phần xương phát triển lệch làm tăng nguy cơ chèn ép các dây thần kinh. Từ đó gây ra các cơn đau ở vùng cổ và một số biểu hiện khác đi kèm.

Tương tự như các bệnh xương khớp mãn tính khác, thoái hoá đốt sống cổ có tiến triển chậm nhưng thường kéo dài dai dẳng và nghiêm trọng dần theo thời gian. Lúc đầu, bệnh chỉ gây đau nhức, tê bì, hạn chế khả năng vận động. Tuy nhiên, nếu không can thiệp điều trị, cấu trúc đốt sống cổ có bị biến dạng, gây chèn ép dây thần kinh và có thể dẫn đến bại liệt.

Nguyên nhân thoái hóa đốt sống cổ

Thực tế nhận thấy, bệnh thoái hoá đốt sống cổ là hệ quả do nhiều yếu tố cộng hưởng như tính chất nghề nghiệp, yếu tố tuổi tác, chế độ sinh hoạt, tiền sử chấn thương, yếu tố di truyền, chế độ dinh dưỡng,...

Mặc dù khởi phát bởi nhiều nguyên nhân và yếu tố khác nhau nhưng cơ chế chính của bệnh lý là do sụn khớp và đĩa đệm chịu áp lực quá tải trong thời gian dài. Từ đó dẫn đến phần xương dưới sụn, sụn khớp bị tổn thương, dây chằng bao quanh khớp bị xơ cứng, đĩa đệm mất dần khả năng đàn hồi.

Nguyên nhân gây ra bệnh lý 
Quá trình thoái hoá, suy yếu của các cơ quan cấu thành đốt sống cổ là nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh lý

Quá trình thoái hoá, suy yếu của các cơ quan cấu thành đốt sống cổ là nguyên nhân trực tiếp gây ra các triệu chứng lâm sàng cũng như biến chứng của thoái hoá đốt sống.

1. Thoái hoá đốt sống cổ nguyên phát

Thoái hoá đốt sống cổ nguyên phát đề cập đến tình trạng xảy ra do ảnh hưởng quá trình lão hoá. Khi tuổi tác cao, dây chằng, đĩa đệm, sụn khớp và đốt sống bị thoái hoá, suy yếu và có xu hướng bị tổn thương dần theo thời gian.

Bên cạnh đó, quá trình thoái hoá còn làm tăng hoạt động phá huỷ các mô xương, làm chậm quá trình phục hồi và tái tạo. Do đó, người trung niên, cao tuổi là nhóm đối tượng có nguy cơ mắc các bệnh xương khớp mãn tính cao hơn so với người trẻ tuổi.

Trường hợp bệnh lý xảy ra do nguyên phát (yếu tố tuổi tác cao), thoái hoá đốt sống cổ thường khởi phát muộn (thường trên 60 tuổi), tiến triển tương đối chậm. Một số nghiên cứu nhận thấy, các biểu hiện thoái hoá đốt sống cổ nguyên phát có thể nhẹ hơn so với các nguyên nhân thứ phát.

2. Thoái hoá đốt sống cổ thứ phát

Thoái hoá đốt sống cổ thứ phát đề cập đến những nguyên nhân có thể gây tổn thương, thoái hoá cột sống cổ - ngoại trừ yếu tố tuổi tác. Trường hợp xảy ra do yếu tố này, bệnh khởi phát sớm hơn (từ 45 - 55 tuổi), tốc độ thoái hoá thường diễn ra nhanh chóng, các triệu chứng có thể tiến triển nghiêm trọng hơn so với nguyên nhân nguyên phát.

Thoái hoá đốt sống cổ thứ phát 
Bệnh lý có thể tăng nguy cơ khởi phát do vận động mạnh, sinh hoạt như lao động quá sức, khuân vác vật nặng

Dưới đây là một số nguyên nhân thúc đẩy quá trình thoái hoá đốt sống cổ diễn ra nhanh chóng:

  • Thói quen sinh hoạt, lao động: Như đã đề cập, bệnh lý là hệ quả do sụn khớp, đĩa đệm phải chịu áp lực quá mức trong thời gian dài. Do đó, bệnh lý có thể tăng nguy cơ khởi phát do một số thói quen vận động mạnh, sinh hoạt như lao động quá sức, ngồi nhiều, khuân vác vật nặng, nằm sai tư thế,...
  • Chấn thương cột sống cổ: Đây được xem là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh thoái hoá đốt sống cổ - chỉ đứng sau yếu tố tuổi tác. Tác động cơ học lên cột sống cổ có thể dẫn đến tổn thương sụn, nứt rách đĩa đệm, kéo căng dây chằng,... Theo thời gian, những cơ quan này cấu thành cột sống cổ có xu hướng bị thoái hoá dần và gây khởi phát bệnh lý.
  • Hệ quả của các bệnh về xương khớp khác: Bệnh lý cũng có thể khởi phát do ảnh hưởng các bệnh lý như loãng xương, thoái hoá cột sống cổ, thoát vị đĩa đệm cổ,... Những bệnh lý này có thể làm cấu trúc cột sống mất thăng bằng, làm tăng áp lực lên đĩa đệm, mô sụn và đẩy nhanh quá trình thoái hoá.

3. Yếu tố nguy cơ

Ngoài những nguyên nhân phổ biến trên, nguy cơ mắc bệnh thoái hoá đốt sống cổ cũng có thể tăng lên đáng kể khi gặp các yếu tố thuận lợi sau:

  • Tiền sử gia đình mắc các bệnh về đốt sống cổ
  • Cấu trúc cột sống bất thường (bẩm sinh hoặc chấn thương)
  • Người bị thừa cân, béo phì
  • Chế độ dinh dưỡng thiếu hụt vitamin, Omega 3, canxi
  • Giới tính nữ (nhất là nữ giới bước vào giai đoạn mãn kinh)
  • Có tiền sử chấn thương cột sống cổ hoặc các cơ quan lân cận
  • Dùng thuốc làm tăng khả năng hấp thụ, tăng đào thải canxi qua thận như thuốc chống viêm corticoid, thuốc ức chế bơm proton
  • Người mắc các bệnh nội tiết, chuyển hoá như cường giáp/ suy giáp, tiểu đường,...

Triệu chứng thoái hóa đốt sống cổ

Thoái hoá đốt sống cổ có thể không gây ra các triệu chứng ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, khi cấu trúc cột sống cổ bắt đầu suy yếu, cơ quan này có thể bị đau nhức, suy giảm khả năng vận động và đi kèm với các triệu chứng nặng nề khác.

Dưới đây là một số dấu hiệu nhận biết bệnh lý:

  • Có cảm giác đau nhức hai bên bả vai, cổ, bàn tay, cánh tay và các ngón tay
  • Cứng cổ, khó khăn trong việc xoay cổ, nhiều lúc phải xoay cả người
  • Đau mỏi vai gáy
  • Cánh tay bị yếu đi, có cảm giác như không có lực
  • Cảm giác tê bì, nhói ở hai bên cánh tay, bàn tay, các ngón tay.

Ngoài các triệu chứng lâm sàng, bệnh thoái hoá đốt sống cổ còn có thể gây ra các biểu hiện như:

  • Mất khả năng giữ thăng bằng
  • Chóng mặt, hoa mắt
  • Bị rối loạn chức năng bàng quang, mất kiểm soát tiểu tiện, đại tiện.

Thoái hoá đốt sống cổ có nguy hiểm không?

Tổn thương do thoái hoá đốt sống cổ gây ra mặc dù tiến triển chậm nhưng thường kéo dài dai dẳng và ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng vận động của toàn bộ cột sống. Ngoài ra, bệnh lý có thể khiến các khớp bị sưng đau, biến dạng gây đau, hạn chế khả năng vận động. Trường hợp bệnh nặng có thể đối mặt với các hội chứng thần kinh như đau dây thần kinh chẩm, gai, hai vai, hội chứng vai, cánh tay.

Thoái hoá đốt sống cổ có nguy hiểm không? 
Thoái hoá đốt sống cổ có thể gây ra các biến chứng như rối loạn thần kinh thực vật, bại liệt một hoặc hai cánh tay,...

Hội chứng tuần hoàn gây hẹp động mạch đốt sống, hẹp lỗ ngang, thiếu máu não miền sau (tình trạng thiểu năng sống nền). Bệnh lý khiến người bệnh bị ù tai, mờ mắt, chóng mặt,...

Ngoài ra, thoái hoá đốt sống cổ nếu không được thăm khám và điều trị kịp thời có thể gây ra các biến chứng nặng nề như:

  • Rối loạn thần kinh thực vật
  • Bại liệt một tay hoặc cả hai tay
  • Hội chứng chèn ép tuỷ sống, cổ, rễ dây thần kinh
  • Rối loạn cảm giác tứ chi

Chế độ chăm sóc cho người bị thoái hoá đốt sống cổ

Các biểu hiện thoái hoá đốt sống cổ có xu hướng tiến triển nặng nề nếu tiếp tục duy trì những thói quen xấu. Do đó, bên cạnh các biện pháp điều trị, người bệnh cần loại bỏ các yếu tố nguy cơ, xây dựng chế độ sinh hoạt khoa học, ăn uống hợp lý để hỗ trợ hiệu quả của các biện pháp y tế, đồng thời tác động tích cực đến tiến triển của bệnh.

Chế độ chăm sóc cho người bị thoái hoá đốt sống cổ 
Cần điều chỉnh tư thế ngồi/ đứng bị sai lệch, hạn chế ngồi hoặc đứng quá lâu, lao động quá sức

Chế độ chăm sóc dành cho người bị thoái hoá đốt sống cổ:

  • Tránh mang vác nặng, cần điều chỉnh tư thế ngồi/ đứng bị sai lệch. Đồng thời, hạn chế ngồi hoặc đứng quá lâu, lao động quá sức.
  • Mỗi ngày nên dành từ 15 - 30 phút tập luyện thể dục thể thao để hỗ trợ điều trị bệnh. Theo các chuyên gia, tập yoga, bơi lội, khiêu vũ, đi bộ nhẹ nhàng,... có thể cải thiện khả năng dẻo dai của cột sống, giảm mức độ chèn ép rễ thần kinh và làm chậm quá trình lão hoá.
  • Loại bỏ những thói quen có thể làm tăng mức độ cơn đau, các triệu chứng của bệnh lý như uống bia rượu, hút thuốc lá, căng thẳng quá mức, thức khuya,...
  • Người bệnh cần bổ sung vitamin D, Canxi và các khoáng chất thiết yếu thông qua chế độ dinh dưỡng. Tuy nhiên, tránh ăn uống quá mức vì có thể gây thừa cân - béo phì và khiến bệnh lý tiến triển nặng nề hơn.
  • Nếu cơn đau ở vùng cổ không đáng kể, bạn có thể thực hiện một số biện pháp giúp giảm đau tại nhà không dùng thuốc như tắm nước ấm, nghỉ ngơi, chườm ấm, đắp thảo dược,... Những cách chữa này được đánh giá có độ an toàn cao và gần như không phát sinh tác dụng phụ.

Việc kết hợp phương pháp y tế cùng với lối sống lành mạnh có thể cải thiện cơn đau nhức cùng các biểu hiện đi kèm, đồng thời làm chậm tiến triển của bệnh đáng kể. Hơn nữa, một chế độ chăm sóc khoa học còn giúp làm giảm mức độ các triệu chứng, từ đó hạn chế nguy cơ lạm dụng thuốc, phụ thuộc vào thuốc chống viêm, giảm đau.

Phòng ngừa bệnh thoái hoá đốt sống cổ hiệu quả

Thoái hoá đốt sống cổ là bệnh xương khớp mãn tính và không thể điều trị dứt điểm. Do đó, việc chủ động phòng ngừa bệnh lý là điều rất cần thiết.

Phòng ngừa bệnh thoái hoá đốt sống cổ hiệu quả 
Mỗi tuần nên dành 3 buổi để tập luyện thể dục thể thao để hỗ trợ và phòng ngừa bệnh lý

Một số biện pháp giúp phòng ngừa bệnh lý, bao gồm:

  • Thay đổi những thói quen, tư thế xấu ảnh hưởng đến đốt sống cổ cũng như cột sống
  • Mỗi tuần nên dành 3 buổi để tập luyện thể dục thể thao. Tuy nhiên, nên lựa chọn các bộ môn vận động có cường độ phù hợp với thể trạng và độ tuổi.
  • Tích cực điều trị các dị tật ở cột sống và đốt sống cổ.
  • Kiểm soát các bệnh lý có thể làm tăng nguy cơ thoái hoá đốt sống cổ như loãng xương, tiểu đường, viêm cột sống dính khớp,....
  • Cần xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học để cung cấp đủ canxi, vitamin, kẽm, magie,... cho cơ thể
  • Nên cân nhắc thay đổi nghề nghiệp nếu tính chất công việc làm tăng nguy cơ bị thoái hoá đốt sống cổ.

Thoái hoá đốt sống cổ là bệnh xương khớp có tính chất mãn tính thường khởi phát ở người trung niên và người cao tuổi. Hiện vẫn chưa có phương pháp điều trị dứt điểm bệnh lý. Do đó, người bệnh cần kết hợp giữa phương pháp y tế với lối sống khoa học để kiểm soát tiến triển của bệnh lý, đồng thời phòng ngừa biến chứng nguy hiểm.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Gọi ngay

0987173258

Tin mới

Top 10 Dung Dịch Vệ Sinh Cho Da Nhạy Cảm An Toàn Nhất

Top 10 Dung Dịch Vệ Sinh Cho Da Nhạy Cảm An Toàn Nhất

Vùng kín là bộ phận nhạy cảm của phụ nữ, cần được chăm sóc cẩn...
Cách Trị Nấm Da Đầu Bằng Dung Dịch Vệ Sinh Hiệu Quả

Cách Trị Nấm Da Đầu Bằng Dung Dịch Vệ Sinh Hiệu Quả

Ngoài sử dụng thuốc, nhiều người bệnh nấm da đầu dùng dung dịch vệ sinh...

Huyết Mạch Khang – Sản phẩm hỗ trợ giảm mỡ máu ƯU VIỆT nhờ bảng thành phần độc đáo

Với thành phần 100% thảo dược với đặc tính hoạt huyết mạnh, dễ dàng phá...