Trẻ Bị Viêm Phế Quản Có Nguy Hiểm Không? Chuyên Gia Nhận Định

Theo dõi Viện y dược dân tộc trên goole news

Trẻ nhỏ dễ bị viêm phế quản do hệ miễn dịch và cơ quan hô hấp chưa phát triển hoàn chỉnh. Nếu được thăm khám và điều trị sớm, các triệu chứng sẽ dần thuyên giảm sau 2 – 4 tuần. Tuy nhiên trong trường hợp chủ quan, bệnh có thể tiến triển nặng gây sốt cao, co giật, suy hô hấp, giãn phế quản,…

trẻ bị viêm phế quản
Trẻ dưới 36 tháng tuổi rất dễ bị viêm phế quản và các bệnh hô hấp khác

Viêm phế quản ở trẻ em là bệnh gì?

Viêm phế quản là bệnh viêm đường hô hấp thường gặp ở trẻ nhỏ bên cạnh cảm lạnh, cảm cúm, viêm họng và viêm amidan. Thông thường, bệnh được chia thành 2 giai đoạn là cấp tính và mãn tính tùy theo thời gian tiến triển. Tuy nhiên, đa phần trẻ nhỏ đều mắc phải viêm phế quản cấp.

Viêm phế quản ở trẻ nhỏ là tình trạng phế quản – ống dẫn khí bị viêm sưng, phù nề do nhiễm virus và vi khuẩn. Trong đó, virus chiếm hơn 90% và chỉ có một số ít trường hợp xảy ra do vi khuẩn. Tuy nhiên, nếu không được điều trị, phế quản có thể bị bội nhiễm dẫn đến nhiều biến chứng nặng nề và thậm chí có thể đe dọa đến tính mạng – nhất là trong trường hợp mắc viêm phế quản phổi (tình trạng viêm nhiễm cả phế quản và phế nang).

Trẻ nhỏ có hệ miễn dịch kém và cơ quan hô hấp chưa phát triển hoàn chỉnh nên nguy cơ mắc viêm phế quản thường cao hơn so với người trưởng thành. Bệnh chủ yếu bùng phát vào mùa đông xuân và có thể phát triển thành dịch ở các môi trường có nhiều trẻ nhỏ như trường mầm non, phòng khám, bệnh viện nhi.

Dấu hiệu nhận biết viêm phế quản ở trẻ em

Viêm phế quản ở trẻ em thường bùng phát triệu chứng đột ngột và dễ nhận biết. Đa phần triệu chứng đều có thể thuyên giảm sau khoảng 2 – 3 tuần khi được chăm sóc và điều trị đúng cách. Tuy nhiên, một số ít trường hợp bệnh chuyển biến nặng dẫn đến các biểu hiện nghiêm trọng hơn.

trẻ bị viêm phế quản
Ho, thở khò khè, sốt cao, quấy khóc,… là các triệu chứng thường gặp ở trẻ bị viêm phế quản

Các triệu chứng nhận biết bệnh viêm phế quản ở trẻ nhỏ:

  • Ho khan, sau chuyển thành ho có đờm, trẻ có thể ho húng hắng, sau đó cơn ho tăng lên dữ dội
  • Trẻ ho nhiều về đêm và khi tiếp xúc với không khí lạnh, lông thú nuôi, phấn hoa,…
  • Sốt cao, thường trên 38 độ C
  • Nghẹt mũi, chảy nước mũi
  • Thở khò khè và nhịp thở nhanh
  • Cơ thể trẻ mệt mỏi, ăn uống kém, hay quấy khóc và hay giật mình vào ban đêm
  • Trẻ sơ sinh và trẻ dưới 6 tháng tuổi có thể gặp các triệu chứng nghiêm trọng hơn như suy hô hấp, tím tái, khó thở, chân tay lạnh và thậm chí là co giật. Những trường hợp này cần được cấp cứu kịp thời để được xử trí sớm, tránh biến chứng và di chứng vĩnh viễn.

So với trẻ nhỏ, trẻ từ 5 – 12 tuổi sẽ có triệu chứng nhẹ hơn, chủ yếu là sốt cao, ho, ứ đờm và thở khò khè. Các triệu chứng ở trẻ cũng diễn tiến chậm hơn so với trẻ dưới 5 tuổi.

Nguyên nhân gây viêm phế quản ở trẻ em

Tương tự như người lớn, viêm phế quản ở trẻ em cũng xảy ra do nhiễm virus và vi khuẩn, trong đó virus chiếm hơn 90%. Các chủng virus thường gặp ở trẻ bao gồm corona virus, RSV, adenovirus, metapneumovirus, virus cúm A và B. Ngoài ra, một số ít trường hợp cũng có thể xảy ra do vi khuẩn, chủ yếu là vi khuẩn gây ho gà (Bordetella pertussis).

Mặc dù virus và vi khuẩn là nguyên nhân chính gây viêm phế quản nhưng trẻ thường chỉ mắc bệnh lý này khi có những yếu tố thuận lợi sau:

  • Hệ miễn dịch kém: Viêm phế quản ảnh hưởng chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ từ 6 – 36 tháng tuổi. Trẻ ở độ tuổi này có hệ miễn dịch kém và chức năng của phổi chưa phát triển hoàn chỉnh. Chính vì vậy, nguy cơ nhiễm virus và vi khuẩn thường cao hơn so với trẻ lớn. Hơn nữa, vì hệ miễn dịch kém nên bệnh thường tiến triển nhanh và dễ gây ra biến chứng nếu không được điều trị kịp thời.
  • Tiếp xúc với người nhiễm bệnh: Virus, vi khuẩn gây viêm phế quản có trong dịch tiết hô hấp và nước bọt. Do đó, trẻ nhỏ có thể mắc chứng bệnh này nếu tiếp xúc với trẻ và người lớn nhiễm bệnh.
  • Môi trường sống, thời tiết: Trẻ nhỏ có nguy cơ cao bị viêm phế quản nếu sinh sống trong môi trường ô nhiễm, nhiều bụi bẩn, khói thuốc, phấn hoa, lông chó mèo,… Ngoài ra, giai đoạn chuyển mùa đông – xuân cũng gia tăng nguy cơ mắc bệnh do virus phát triển mạnh trong không khí.
  • Các yếu tố khác: Ngoài những yếu tố kể trên, trẻ cũng có thể bị viêm phế quản khi có những yếu tố khác như tiền sử gia đình bị hen suyễn, cơ địa dị ứng, người thân hút thuốc lá, trẻ sinh non và đã từng bị cảm cúm, sởi, viêm thanh quản,…

Trẻ bị viêm phế quản có nguy hiểm không?

Viêm phế quản là bệnh hô hấp thường gặp ở trẻ em và người cao tuổi. Bệnh lý này chủ yếu xảy ra do nhiễm virus (hơn 90%) và chỉ có dưới 10% bắt nguồn từ vi khuẩn. Do đó, phần lớn các trường hợp mắc bệnh đều có thể thuyên giảm nhanh sau 2 – 3 tuần. Tuy nhiên, trẻ dưới 1 tuổi thường có hệ miễn dịch kém nên bệnh thường tiến triển nhanh gây suy hô hấp (khó thở, tím tái, chân tay lạnh) và sốt cao dẫn đến co giật.

Với những trẻ lớn hơn, triệu chứng thường có mức độ nhẹ và ít khi chuyển biến theo chiều hướng xấu. Sau khoảng 10 – 15 ngày, các triệu chứng sẽ thuyên giảm gần như hoàn toàn. Mặc dù vậy, phụ huynh cũng không nên chủ quan khi nhận thấy trẻ có các dấu hiệu viêm phế quản.

Mặc dù không phổ biến nhưng đã có trường hợp trẻ bị suy hô hấp, giãn phế quản, áp xe phổi và viêm phế quản phổi do không được thăm khám và điều trị sớm. Chính vì vậy, phụ huynh cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay khi nhận thấy các triệu chứng bất thường để được chẩn đoán và xử trí kịp thời.

Cách chăm sóc, điều trị trẻ bị viêm phế quản

Trẻ bị viêm phế quản chủ yếu được chẩn đoán thông qua biểu hiện lâm sàng. Tuy nhiên trong một số trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu X quang ngực, xét nghiệm máu và cấy bệnh phẩm để xác định nguyên nhân gây bệnh. Sau khi chẩn đoán, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp với tình trạng sức khỏe và độ tuổi của trẻ.

1. Sử dụng thuốc

Điều trị viêm phế quản ở trẻ em chủ yếu là dùng thuốc cải thiện triệu chứng do 90% trường hợp bắt nguồn từ nhiễm virus. Nếu xảy ra do vi khuẩn, bác sĩ sẽ yêu cầu dùng kháng sinh để kiểm soát nhiễm trùng. Ngoài ra, một số trẻ có hệ miễn dịch kém hoặc đã bị bội nhiễm vi khuẩn cũng sẽ được chỉ định dùng kháng sinh trong 7 – 10 ngày.

Dấu hiệu trẻ bị viêm phế quản
Bác sĩ thường cho trẻ dùng thuốc hạ sốt để cải thiện tình trạng sốt cao do bị viêm phế quản

Các loại thuốc được sử dụng trong điều trị viêm phế quản ở trẻ em:

  • Thuốc hạ sốt: Viêm phế quản thường gây sốt cao (trên 38 độ C). Để cải thiện tình trạng này, phụ huynh có thể cho trẻ dùng Paracetamol dạng siro và bột sủi. Trong trường hợp trẻ bị nôn mửa và không thể dùng thuốc uống, có thể dùng thuốc dạng đặt để thay thế.
  • Kháng sinh: Kháng sinh được sử dụng khi viêm phế quản ở trẻ em xảy ra do vi khuẩn hoặc đã có hiện tượng bội nhiễm. Tùy theo tình trạng cụ thể, bác sĩ có thể chỉ định dùng kháng sinh dạng tiêm hoặc siro uống. Kháng sinh thường được dùng trong 7 – 10 ngày để kiểm soát tình trạng viêm nhiễm và ngăn ngừa hiện tượng kháng thuốc.
  • Siro trị ho thảo dược: Viêm phế quản ảnh hưởng chủ yếu đến trẻ dưới 3 tuổi. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc giảm ho, long đờm và thuốc kháng histamine H1 cho trẻ dưới độ tuổi này tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do đó, bác sĩ thường chỉ định dùng siro ho thảo dược để cải thiện các triệu chứng do viêm phế quản gây ra.

Đối với bệnh viêm phế quản ở trẻ em, bác sĩ chủ yếu chỉ định dùng thuốc hạ sốt và kháng sinh (trong một số trường hợp cần thiết). Các loại thuốc điều trị triệu chứng như thuốc long đờm, thuốc ức chế ho, thuốc kháng histamine H1, thuốc chống sung huyết mũi dạng xịt,… chỉ được dùng cho trẻ lớn do rủi ro cao hơn lợi ích mang lại.

2. Các biện pháp hỗ trợ

Trên thực tế, viêm phế quản ở trẻ em chủ yếu xảy ra do nhiễm virus. Vì vậy, bác sĩ thường hướng dẫn dùng thuốc hạ sốt để tránh tình trạng trẻ bị co giật do sốt quá cao. Các triệu chứng còn lại hoàn toàn có thể cải thiện thông qua một số biện pháp hỗ trợ.

Dấu hiệu trẻ bị viêm phế quản
Nên dùng máy tạo độ ẩm để làm dịu niêm mạc mũi và cải thiện các triệu chứng do viêm phế quản gây ra

Các biện pháp hỗ trợ cải thiện tình trạng trẻ bị viêm phế quản:

  • Dùng nước muối sinh lý: Nước muối sinh lý có tác dụng làm loãng dịch đờm, cải thiện tình trạng khô rát và ngứa niêm mạc mũi. Do đó, phụ huynh có thể dùng nước muối sinh lý để rửa mũi cho trẻ hằng ngày. Với trẻ lớn hơn, cần hướng dẫn trẻ súc họng bằng nước muối để làm sạch đờm ứ và cải thiện tình trạng ngứa rát họng.
  • Sử dụng máy tạo độ ẩm: Máy tạo độ ẩm giúp tăng độ ẩm trong không khí, từ đó làm dịu niêm mạc mũi ở trẻ. Tuy nhiên trước khi dùng thiết bị tạo độ ẩm, phụ huynh cần làm sạch không gian sống để loại bỏ nấm mốc và các dị nguyên tồn tại trong không khí.
  • Chườm mát: Ngoài sử dụng thuốc hạ sốt, phụ huynh cũng cần chườm mát ở vùng cổ, nách và bẹn để cải thiện tình trạng sốt cao. Bên cạnh đó, nên cho trẻ uống nước và mặc quần áo thông thoáng. Với trẻ dưới 6 tuổi, mẹ nên cho trẻ bú sữa để cung cấp thêm chất lỏng cho cơ thể.
  • Áp dụng mẹo chữa từ nguyên liêu tự nhiên: Đối với trẻ từ 2 tuổi trở lên, phụ huynh có thể cho trẻ áp dụng một số mẹo chữa từ nguyên liệu tự nhiên để giảm ho, tiêu đờm và cải thiện tình trạng thở khò khè. Một số mẹo chữa an toàn phụ huynh có thể thực hiện như hẹ hấp đường phèn, tắc chưng mật ong, nước chanh ấm, trà hoa cúc,…

3. Chăm sóc trẻ bị viêm phế quản

Ngoài các biện pháp làm giảm triệu chứng, phụ huynh cũng cần chăm sóc trẻ để nâng đỡ thể trạng trong thời gian điều trị viêm phế quản. Chăm sóc đúng cách giúp trẻ tăng sức đề kháng, giảm mệt mỏi, từ đó cải thiện nhanh chóng các triệu chứng như sốt, ho dai dẳng, ứ đờm,…

Dấu hiệu trẻ bị viêm phế quản
Trong thời gian điều trị, nên cho trẻ dùng thức ăn mềm, lỏng để làm dịu và giảm ngứa rát cổ họng

Cách chăm sóc trẻ bị viêm phế quản:

  • Cho trẻ uống nước ấm để làm dịu cổ họng, giảm ngứa và làm loãng dịch tiết hô hấp. Ngoài nước lọc, nên cho trẻ dùng thêm nước ép từ rau củ tươi để kích thích vị giác và bổ sung thêm vitamin, khoáng chất cho cơ thể.
  • Để tránh tình trạng bị đau rát họng, phụ huynh nên cho trẻ dùng các món cháo, miến và bún mềm, ấm, ít gia vị trong thời gian điều trị. Không cho trẻ dùng snack, bánh kẹo, nước ngọt có gas và kem lạnh. Các loại thực phẩm và đồ uống này đều có thể gia tăng mức độ ho, tăng tiết đờm và khiến bệnh tiến triển dai dẳng hơn.
  • Cho trẻ nghỉ ngơi tại nhà trong ít nhất 3 – 5 ngày để phục hồi thể trạng và tránh lây nhiễm cho các trẻ khác trong trường học.
  • Nếu trẻ sốt cao, mẹ nên cho trẻ dùng dung dịch Oresol để bù nước. Tuy nhiên, cần tránh tình trạng lạm dụng quá mức khiến trẻ bị rối loạn điện giải.
  • Tăng cường bổ sung thực phẩm giàu vitamin C và kẽm để cải thiện hệ miễn dịch. Từ đó giúp giảm nhanh triệu chứng và rút ngắn thời gian điều trị.
  • Hướng dẫn trẻ vệ sinh răng miệng và súc họng bằng nước muối ấm.

Phòng ngừa bệnh viêm phế quản ở trẻ nhỏ

Viêm phế quản là bệnh hô hấp thường gặp ở trẻ nhỏ. Nếu không có biện pháp phòng ngừa, bệnh rất dễ tái phát khi có điều kiện thuận lợi. Do đó sau khi điều trị, phụ huynh cần cho trẻ thực hiện một số cách phòng ngừa như:

  • Chủ động tiêm các loại vắc xin cần thiết cho trẻ như vắc xin ngừa ho gà, viêm phổi, vắc xin cúm, sởi,… Tiêm ngừa các bệnh lý này có thể hạn chế được nguy cơ bị viêm phế quản đáng kể.
  • Vệ sinh nhà cửa thường xuyên và nên dùng máy lọc không khí để đảm bảo môi trường sống của trẻ trong lành. Hiện nay, tỷ lệ trẻ mắc các chứng bệnh hô hấp tăng lên đáng kể do môi trường ô nhiễm. Do đó, việc sử dụng máy lọc không khí khi gia đình có trẻ nhỏ là vấn đề nên được cân nhắc.
  • Trẻ có hệ miễn dịch kém dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Vì vậy, phụ huynh cần đảm bảo cho trẻ bú sữa mẹ trong ít nhất 6 tháng đầu để bảo vệ trẻ khỏi các tác nhân có hại từ môi trường.
  • Cần vệ sinh tai, mũi và họng cho trẻ bằng nước muối sinh lý khoảng 2 lần/ tuần để ngăn ngừa virus, vi khuẩn và các chất dị ứng, kích ứng xâm nhập vào ống dẫn khí (phế quản).
  • Giữ ấm cơ thể và tránh đưa trẻ đến những nơi đông người – đặc biệt là trong giai đoạn chuyển mùa đông – xuân.
  • Đối với trẻ từ 2 – 3 tuổi trở lên, phụ huynh cần hướng dẫn trẻ cách vệ sinh răng miệng và rửa tay bằng xà phòng để ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm.
  • Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động thể chất và xây dựng chế độ ăn phù hợp để nâng cao sức đề kháng. Qua đó giảm thiểu nguy cơ bị viêm phế quản và các bệnh hô hấp thường gặp khác.
  • Không cho trẻ tiếp xúc với người mắc bệnh viêm đường hô hấp. Khi trẻ mắc bệnh, phụ huynh nên cho trẻ ở nhà nghỉ ngơi để tránh lây nhiễm cho các trẻ khỏe mạnh.

Viêm phế quản là bệnh hô hấp thường gặp ở trẻ nhỏ. Hy vọng qua những thông tin trong bài viết, phụ huynh đã hiểu rõ về triệu chứng, nguyên nhân, cách chăm sóc và điều trị bệnh lý này. Ngoài ra, phụ huynh cũng cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ sức khỏe cho bé.

Tham khảo thêm: Bé Bị Viêm Họng Có Nguy Hiểm Không? Mẹ Cần Làm Gì?

Chuyên gia tư vấn

Gọi ngay

0974 026 239

Tin mới

Công Bố: Phác Đồ Điều Trị Trào Ngược Dạ Dày Thực Quản Từ YHCT

Trào ngược dạ dày, ợ hơi, ợ chua… là các triệu chứng dai dẳng, gây...

Địa chỉ DUY NHẤT chữa mỡ máu CAM KẾT HIỆU QUẢ BẰNG VĂN BẢN

Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Thuốc Dân Tộc là địa chỉ DUY NHẤT...

Huyết Mạch Khang – TPBVSK hỗ trợ giảm mỡ máu ƯU VIỆT nhờ bảng thành phần độc đáo

Với thành phần 100% thảo dược với đặc tính hoạt huyết mạnh, dễ dàng phá...