Viêm Phế Quản Cấp

Viêm phế quản cấp là tình trạng viêm nhiễm, phù nề ống dẫn khí do nhiễm virus và vi khuẩn. Bệnh chủ yếu gặp ở người cao tuổi và trẻ nhỏ trong giai đoạn chuyển mùa đông – xuân. Nếu được chăm sóc và điều trị đúng cách, các triệu chứng sẽ thuyên giảm hoàn toàn sau 1 – 2 tuần.

Viêm phế quản cấp tính
Viêm phế quản cấp tính là tình trạng viêm nhiễm ống dẫn khí xảy ra do nhiễm virus (90%) và vi khuẩn

Viêm phế quản cấp tính

Viêm phế quản cấp tính là tình trạng phế quản (ống dẫn khí bên trong phổi) bị viêm, phù nề trong một thời gian ngắn và có khả năng tự giới hạn. Phế quản nằm bên trong phổi nên được bảo vệ bởi hệ thống hô hấp trên. Chính vì vậy so với cổ họng và thanh quản, cơ quan này ít bị viêm nhiễm và tổn thương.

Viêm phế quản cấp tính thường xảy ra sau một đợt viêm nhiễm đường hô hấp trên. Lúc này, virus và vi khuẩn sẽ di chuyển xuống bên dưới và gây tổn thương ống dẫn khí. Đa phần các trường hợp bị viêm phế quản cấp tính đều đáp ứng tốt với điều trị và thuyên giảm nhanh sau khoảng vài ngày đến vài tuần. Tuy nhiên, một số ít trường hợp bị viêm nhiễm do vi khuẩn cần được điều trị cẩn trọng để tránh các biến chứng và di chứng vĩnh viễn.

Tương tự như các bệnh hô hấp thường gặp, viêm phế quản cấp tính chủ yếu xảy ra do nhiễm virus và chỉ có một số ít bắt nguồn từ vi khuẩn. Theo số liệu thống kê, bệnh lý này thường gặp ở trẻ nhỏ và người cao tuổi vì đây là những đối tượng có hệ miễn dịch suy yếu. Nếu không được kiểm soát và phòng ngừa, bệnh có thể bùng phát thành dịch - đặc biệt là trong giai đoạn chuyển mùa đông xuân.

Nguyên nhân viêm phế quản cấp tính

Như đã đề cập, viêm phế quản cấp thường xảy ra do nhiễm virus và vi khuẩn. Trong đó, 90% trường hợp bắt nguồn từ virus và chỉ có một số ít xảy ra do nhiễm các chủng vi khuẩn có hại. Ngoài các nguyên nhân chính, nguy cơ mắc bệnh lý này cũng có thể tăng lên nếu có một số yếu tố thuận lợi.

Cách trị viêm phế quản cấp
Virus là nguyên nhân chủ yếu gây viêm phế quản cấp và chỉ có dưới 10% xảy ra do nhiễm vi khuẩn

Các nguyên nhân gây viêm phế quản cấp tính thường gặp:

  • Virus: Virus là tác nhân chủ yếu gây viêm phế quản cấp và các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp. Tình trạng viêm niêm mạc các ống dẫn khí thường do virus cúm A, B, metapneumovirus, adenovirus, RSV, corona virus,... Các chủng virus này thường gây cảm lạnh, viêm họng, sau đó di chuyển xuống ống dẫn khí gây viêm phế quản cấp tính.
  • Vi khuẩn: Chỉ có khoảng dưới 10% trường hợp viêm phế quản cấp xảy ra do vi khuẩn, trong đó thường gặp là vi khuẩn Chlamydia pneumoniae, vi khuẩn gây ho gà và Mycoplasma pneumoniae.

Các chủng virus và vi khuẩn gây viêm phế quản cấp có khả năng lây nhiễm cao qua nước bọt và dịch tiết hô hấp. Do đó khi tiếp xúc với người nhiễm bệnh, virus và vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ quan hô hấp dẫn đến viêm phế quản cấp và nhiều bệnh lý khác. Đây cũng là lý do bệnh rất dễ bùng phát thành dịch nếu không được kiểm soát và chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa.

Ngoài những nguyên nhân chính, bệnh viêm phế quản cấp còn có liên quan đến những yếu tố như:

  • Chuyển mùa đông - xuân: Trong giai đoạn chuyển mùa, nhiệt độ không khí không ổn định cùng với độ ẩm cao tạo điều kiện cho virus phát triển. Do đó, viêm phế quản cấp và các bệnh viêm đường hô hấp thường bùng phát mạnh trong giai đoạn này.
  • Hệ miễn dịch suy yếu: Người có hệ miễn dịch suy yếu dễ mắc các bệnh hô hấp hơn so với người có sức khỏe tốt. Cũng chính vì vậy mà viêm phế quản cấp tính chủ yếu gặp ở trẻ nhỏ và người cao tuổi. Trong khi đó, người trẻ tuổi ít có nguy cơ mắc bệnh hơn.
  • Do thói quen hút thuốc lá: Nicotin cùng với các hóa chất độc hại trong khói thuốc lá đều tác động xấu đến chức năng và các cơ quan hô hấp. Với những người hút thuốc lá lâu năm, khả năng đề kháng của phổi suy giảm khiến cho phế quản và tiểu phế quản dễ bị viêm nhiễm hơn. Ngoài ra, hút thuốc lá lâu năm còn gia tăng nguy cơ bị viêm phế quản mãn tính và lao phổi.
  • Mắc các bệnh mãn tính: Nguy cơ bị viêm phế quản cấp tăng lên ở những trường hợp mắc các bệnh lý mãn tính như trào ngược dạ dày thực quản, viêm họng, viêm amidan, viêm xoang và viêm phế quản mãn tính. Các bệnh lý này đều khiến cho hàng rào bảo vệ ở vùng cổ họng suy giảm, từ đó tạo điều kiện cho virus và vi khuẩn xâm nhập vào đường hô hấp dưới.
  • Các yếu tố nguy cơ cao: Bên cạnh đó, nguy cơ mắc bệnh viêm phế quản cấp tính có thể tăng lên nếu sinh sống trong môi trường ô nhiễm, làm việc trong không gian có nhiều bụi bẩn, hóa chất, vệ sinh răng miệng kém, không rửa tay sau khi tiếp xúc với các vật dụng công cộng và thường xuyên tiếp xúc thân mật với người mắc các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp.

Triệu chứng viêm phế quản cấp tính

Viêm phế quản cấp tính đặc trưng bởi triệu chứng khởi phát đột ngột, mức độ nặng và dễ nhận biết. Mặc dù triệu chứng thường nghiêm trọng hơn so với viêm phế quản mãn tính nhưng nếu được chăm sóc và điều trị đúng cách, bệnh sẽ nhanh chóng thuyên giảm sau khoảng vài ngày.

Các triệu chứng của viêm phế quản cấp dễ bị nhầm lẫn với các chứng viêm đường hô hấp khác. Chính vì vậy, bệnh nhân cần chú ý quan sát biểu hiện để phát hiện bệnh sớm và có các biện pháp điều trị phù hợp.

nguyên nhân viêm phế quản cấp
Tình trạng viêm, phù nề ống dẫn khí gây ra tình trạng thở khò khè, tăng tiết đờm và ho dai dẳng

Các triệu chứng của bệnh viêm phế quản cấp tính:

  • Ho: Ho là triệu chứng thường gặp của viêm phế quản cấp nhưng không có tính điển hình do hầu hết các bệnh viêm đường hô hấp đều gây ra tình trạng này. Đối với viêm phế quản cấp, ho có biểu hiện khá đa dạng, ban đầu thường là ho khan, sau vài ngày chuyển sang ho kèm đờm đặc, ho dữ dội thành cơn - nhất là khi có gió lạnh và khi về đêm.
  • Sốt: Đa phần những trường hợp viêm phế quản cấp đều có thể gây sốt. Tùy theo nguyên nhân, bệnh nhân có thể bị sốt nhẹ hoặc sốt cao, sốt liên tục hoặc sốt theo từng cơn. Một số người có thể trạng tốt có thể không bị sốt nếu nguyên nhân là do virus. Trong khi đó, đa phần những trường hợp nhiễm vi khuẩn đều bị sốt dai dẳng và sốt cao.
  • Thở khò khè: Thở khò khè là triệu chứng đặc trưng của các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp dưới. Khi phế quản bị viêm, diện tích trong lòng ống dẫn khí bị thu hẹp, điều này gây ra tình trạng khò khè khi thở. Triệu chứng này giúp phân biệt được viêm phế quản cấp với các bệnh viêm đường hô hấp trên.
  • Tiết đờm: Ngoài ho và thở khò khè, viêm ống dẫn khí cũng gây ra hiện tượng tăng tiết đờm. Đờm thực chất là kết quả của phản ứng viêm. Tùy theo nguyên nhân và thời gian tiến triển, đờm có thể loãng hoặc đặc, màu sắc đa dạng là trong suốt, trắng, xanh hoặc vàng. Tuy nhiên, màu sắc của đờm trong bệnh viêm phế quản không có giá trị phân biệt nguyên nhân gây bệnh là do virus hay vi khuẩn.
  • Các triệu chứng khác: Ngoài những triệu chứng trên, viêm phế quản cấp còn gây ra một số triệu chứng như nghẹt mũi, sổ mũi, đau thắt ngực, cổ họng rát, đau buốt và sưng nhẹ. Bệnh kéo dài khoảng vài ngày khiến thể trạng suy nhược, mệt mỏi và xanh xao do ăn uống kém.

Viêm phế quản cấp có nguy hiểm không?

Viêm phế quản cấp là bệnh hô hấp khá phổ biến ở trẻ nhỏ và người cao tuổi. Hơn 90% trường hợp mắc bệnh đều xảy ra do virus nên đa phần đều có thể thuyên giảm sau 1 - 2 tuần chăm sóc và điều trị triệu chứng. Tuy nhiên trong quá trình điều trị, cần thực hiện các biện pháp phòng tránh để hạn chế lây nhiễm bệnh cho người thân và cộng đồng.

Đối với những trường hợp viêm phế quản do vi khuẩn, bắt buộc phải điều trị y tế để tiêu diệt vi khuẩn gây viêm nhiễm. Nếu để kéo dài, vi khuẩn có thể phát triển mạnh dẫn đến suy hô hấp, viêm phổi, giãn phế quản và nhiều biến chứng khác. Do đó, nên chủ động thăm khám nếu nhận thấy các triệu chứng nặng dần và không có dấu hiệu thuyên giảm sau 5 ngày khởi phát.

Nhìn chung, đa phần các trường hợp viêm phế quản cấp đều có đáp ứng tốt với điều trị và thuyên giảm nhanh sau 1 - 2 tuần. Tuy nhiên, bệnh rất dễ tái phát khi có điều kiện thuận lợi nên song song với điều trị cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa.

Phòng ngừa bệnh viêm phế quản cấp tính

Viêm phế quản cấp tính là bệnh hô hấp thường gặp và rất dễ bùng phát vào giai đoạn chuyển mùa. Dù không quá nguy hiểm nhưng các triệu chứng do bệnh lý này gây ra ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình học tập, công việc và làm gián đoạn các kế hoạch trong cuộc sống. Vì vậy sau khi điều trị, cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh tái phát.

Các biện pháp phòng ngừa viêm phế quản cấp tính tái phát:

  • Đeo khẩu trang khi đến những nơi đông người và tránh tiếp xúc thân mật với người mắc các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp.
  • Rửa sạch tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với các vật dụng công cộng, sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn.
  • Thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh răng miệng và thường xuyên dùng nước muối sinh lý làm sạch tai, mũi, họng. Bên cạnh đó, cần giữ ấm cơ thể - đặc biệt là vùng cổ khi thời tiết chuyển lạnh.
  • Vệ sinh nhà cửa thường xuyên, mở cửa sổ thông thoáng và hút bụi ở những nơi ẩm mốc để ngăn sự phát triển của virus và nấm.
  • Có thể tiêm ngừa virus cúm A và vi khuẩn phế cầu để giảm nguy cơ bị viêm phế quản, cúm và viêm phổi. Các chủng virus và vi khuẩn khác chưa có vắc xin nên cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa kể trên.

Viêm phế quản cấp tính là bệnh hô hấp dưới thường gặp nhất. Dù không đe dọa đến sức khỏe nhưng bệnh lý này ảnh hưởng không nhỏ đến thể trạng và chất lượng cuộc sống. Do đó, bệnh nhân cần chủ động thăm khám - điều trị sớm và nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa để hạn chế tình trạng tái phát.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Gọi ngay

0974 026 239

Tin mới

Công Bố: Phác Đồ Điều Trị Trào Ngược Dạ Dày Thực Quản Từ YHCT

Trào ngược dạ dày, ợ hơi, ợ chua… là các triệu chứng dai dẳng, gây...

Địa chỉ DUY NHẤT chữa mỡ máu CAM KẾT HIỆU QUẢ BẰNG VĂN BẢN

Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Thuốc Dân Tộc là địa chỉ DUY NHẤT...

Huyết Mạch Khang – TPBVSK hỗ trợ giảm mỡ máu ƯU VIỆT nhờ bảng thành phần độc đáo

Với thành phần 100% thảo dược với đặc tính hoạt huyết mạnh, dễ dàng phá...